Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bến Tre. (Ảnh: Trương Hùng)
Nghề muối là nghề truyền thống, có từ lâu đời, là ngành sản xuất có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Muối đang trở thành một mặt hàng thiết yếu trong danh mục hàng hóa thiết yếu của đất nước, được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực từ tiêu dùng đến sản xuất công nghiệp, làm nguyên liệu chế tạo nhiều sản phẩm đa dạng. Nhu cầu sử dụng muối của nước ta hiện nay vào khoảng 1,5 đến 1,6 triệu tấn/năm. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu này vào khoảng 2 triệu tấn/năm. Trong khi đó, sản lượng muối bình quân trong những năm gần đây của nước ta chỉ đạt xấp xỉ 1 triệu tấn/năm nên mỗi năm nước ta phải nhập khẩu khoảng 400.000 đến 600.000 tấn muối để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Trên cơ sở đó và Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, Bộ NN-PTNT phối hợp các địa phương xây dựng Đề án “Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2025". Mục tiêu của Đề án là xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm và đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị sản phẩm muối gắn với bảo tồn và phát triển du lịch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm muối và thu nhập cho diêm dân. Bên cạnh đó, Đề án cũng đặt mục tiêu đảm bảo hiệu quả đầu tư công, phát huy hiệu quả kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh muối; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong ngành sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối.
Giám đốc Sở NN-PTNT Đoàn Văn Đảnh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trương Hùng)
Quy mô của Đề án gồm 35 xã, 12 huyện của 7 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre và Bạc Liêu, với sự tham gia và hưởng lợi của 18 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ muối; 16 hợp tác xã diêm nghiệp và 2 tổ hợp tác sản xuất muối. Diện tích vùng sản xuất trực tiếp là 2.873ha, diện tích vùng sản xuất hưởng lợi là 3.265ha. Tổng số hộ dân trong vùng dự án là 4.667 hộ và 11.510 lao động.
Đề án được phân chia thành 4 dự án thành phần. Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 1.176,32 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương chiếm 45,8%, vốn địa phương là 24,1% và vốn đối ứng của doanh nghiệp, HTX khoảng 30,3%. Còn lại là vốn vay tín dụng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về mô hình sản xuất muối; vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm muối; việc đầu tư nhà máy sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm muối; việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án; việc vận dụng kinh phí xây dựng nông thôn mới để đầu tư đường giao thông nội đồng khu vực sản xuất muối,…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, việc triển khai Đề án này trước hết là phải đồng bộ, nghĩa là đầu tư hạ tầng phải đi đôi với việc xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, năng suất và chất lượng và theo chuỗi liên kết để nâng cao giá trị hạt muối trên thị trường. Ngành nông nghiệp và các địa phương cùng chung sức, đồng lòng để triển khai thực hiện Đề án.Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu kết luận. (Ảnh: Trương Hùng)
Để việc thực hiện Đề án thành công, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị lãnh đạo các tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành nông nghiệp địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án theo từng giai đoạn cụ thể. Đặc biệt là cần tập trung quan tâm vấn đề liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ hạt muối; bảo tồn và phát triển nghề muối truyền thống; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại.
Đề nghị Cục Kinh tế hợp tác quan tâm trao đổi kỹ lại với các địa phương, rà soát để xác định rõ các nguồn vốn đầu tư cho Đề án; đồng thời rà soát nội dung các dự án phù hợp nhu cầu thực tế trước khi đầu tư. Quan tâm chủ yếu các HTX để có sự hỗ trợ thích hợp.
Rà soát các công trình hạ tầng giao thông nội đồng có liên quan đến nông thôn mới để tham mưu Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương ghi vốn cho các dự án này.
Nguồn: bentre.gov.vn