BDK - Tại các huyện, những di sản có kiến trúc gỗ trăm tuổi đang đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), có nguy cơ dẫn đến sự hư hỏng. Đây là một thách thức đặt ra trong công tác bảo tồn di sản.
Đình Long Thạnh sở hữu nhiều bao lam, khánh thờ, hoành phi có giá trị kỹ thuật cao của nghề chạm khắc gỗ Việt Nam đầu thế kỷ XXI, tuy nhiên, mối mọt đã tấn công bên trong một số di vật.
Bảo vệ kiến trúc gỗ
Trong 16 di tích (DT) xếp hạng cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh, có đến 7 DT kiến trúc nghệ thuật gỗ đặc sắc có tuổi đời hơn 100 năm tuổi. Các kiến trúc gỗ này được ông cha ta tạo dựng trong nhiều năm, là khối tài sản tinh thần vô giá của người dân Bến Tre. Đó là DT kiến trúc nghệ thuật: đình Phú Lễ; đình Bình Hòa; đình Tân Thạch; nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) và khu mộ; đình Tiên Thủy; đình Long Phụng; đình Long Thạnh.
Xã Long Định, huyện Bình Đại là địa phương có đến hai ngôi đình hơn trăm tuổi được xếp hạng là DT kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, gồm: đình Long Phụng và đình Long Thạnh. Ông Phan Công Đạt - đại diện Ban Khánh tiết đình Long Thạnh cho biết: “Hàng tuần, chúng tôi họp lại, kiểm tra xem có mối mọt hư hỏng gì. Rồi ngồi lại bàn với nhau xem có việc gì phát sinh cần làm. Công việc này diễn ra thường xuyên và duy trì. Tôi nghĩ ngày trước ông bà mình cũng đã gìn giữ, bảo quản như vậy thì công trình mới được tuổi thọ đến ngày nay".
Ông Phan Công Đạt chỉ cho chúng tôi: Mặc dù con cháu rất trân quý di sản của ông cha để lại, nhưng mối mọt đã ăn ruồng bên trong, làm mất đi vẻ nguyên bản của một số di vật. Nếu không kịp thời nhìn thấy và xử lý thì những hư hỏng và mất mát còn nhiều hơn nữa.
Tại đình Long Phụng, ngôi đình thấp nằm cạnh một con đê lớn. Bước vào trong với số bao lam, liễn cột cổ kính. Trưởng ban Khánh tiết đình Long Phụng Nguyễn Ngọc Hội chia sẻ: “Mối mọt là mối đe dọa đối với ngôi đình có kiến trúc gỗ hơn trăm tuổi, được hỗ trợ của trên, đơn vị trị mối đã đến đình Long Phụng phun thuốc toàn bộ các kiến trúc gỗ".
Anh Nguyễn Văn Bốn - Công ty trừ mối Bảo Tín (đơn vị phụ trách trừ mối cho nhiều DT tại tỉnh) nói: “Nhiều đình ở Bến Tre bị mối mọt ăn các kiến trúc gỗ. Chúng tôi trị bằng cách phun thuốc. Có khi mối ăn ruồng, ẩn sâu bên trong thì bơm thuốc diệt. Ngoài ra, đất ẩm thấp là môi trường lý tưởng của mối. Chúng tôi còn đi xung quanh đình để tìm kiếm nguồn phát sinh ổ mối để tiêu diệt...".
Báo cáo của UBND tỉnh ngày 12-1-2024 về tình hình thực hiện nhiệm vụ ứng phó với BĐKH tỉnh giai đoạn 2021 - 2023, triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2024 - 2025 cho thấy, ở lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, tỉnh rất chú trọng việc tăng cường năng lực ứng phó BĐKH. Đặc biệt, đối các DT, khu du lịch, điểm du lịch quan trọng và có nguy cơ chịu sự tác động lớn, trực tiếp của BĐKH như: DT cấp quốc gia đặc biệt, DT cấp quốc gia, DT cấp tỉnh, các khu du lịch, điểm du lịch thường xuyên tiếp đón nhiều du khách và nằm ở những vùng đất thấp, ven sông, biển; nhiều công trình kiến trúc gỗ truyền thống có niên đại trên 100 năm (đình, nhà cổ), công trình xây dựng tại các DT 3 huyện ven biển bị xuống cấp dưới tác động của khí hậu vùng biển.
Di sản bị đe dọa
Vào mùa gió Đông Bắc (gió chướng), gió thổi nhiều đem theo hơi mặn và độ ẩm cao vào sâu trong đất liền, làm gia tăng sự sinh sôi của mối mọt và hao mòn các loại vật liệu, đe dọa đến sự tồn tại của các công trình kiến trúc gỗ trăm tuổi.
Theo báo cáo đánh giá lần thứ 6 của Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC) vào năm 2021, nhiệt độ trung bình toàn cầu đang ở mức khoảng 1,1oC so với thời kỳ tiền công nghiệp và nhiệt độ trên đất liền tăng nhanh hơn trên đại dương. Thập kỷ đầu của thế kỷ XXI nóng hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong 125 ngàn năm trở lại đây. BĐKH đang ảnh hưởng và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi khu vực trên thế giới. Những khu vực được dự báo sẽ chịu tác động của khí hậu khắc nghiệt. Đặc biệt, các hiện tượng nóng cực đoan, mưa, lũ lớn và hạn hán.
Báo cáo của UBND tỉnh ngày 12-1-2024 về tình hình thực hiện nhiệm vụ ứng phó với BĐKH tỉnh giai đoạn 2021 - 2023, triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2024 - 2025 nêu rõ: “Giai đoạn 2021 - 2023, thiên tai xâm nhập mặn không gay gắt, kinh tế tỉnh bắt đầu phục hồi sau thiên tai hạn mặn năm 2019 - 2020. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng BĐKH, nước biển dâng và vấn đề thiếu nước thượng nguồn làm xâm nhập mặn, xu hướng triều cường, sạt lở gia tăng tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, sinh kế nhân dân... Dự báo giai đoạn 2024 - 2025 là cao điểm của hiện tượng El Nino gây khô hạn, nắng nóng kéo dài tác động đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long".
Trước tình hình nắng nóng, cộng với hơi ẩm là điều kiện lý tưởng cho mối mọt sinh sôi, anh Nguyễn Văn Bốn - Công ty trừ mối Bảo Tín cho biết: “Từ xưa đến nay, gỗ và các vật liệu làm từ gỗ luôn là nguồn thức ăn của các loài mối. Với khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, độ ẩm cao là điều kiện tốt cho mối và các loại côn trùng gây hại cho gỗ phát triển nhanh. Các công trình DT có kết cấu gỗ, mặc dù được làm từ những loại gỗ tốt nhưng trải qua nhiều năm không được duy tu sửa chữa, nên mối dễ xâm nhập, phá hoại nhanh".
BĐKH là vấn đề toàn cầu, không ít người xem nó là xa vời, vô hình do không có những hậu quả ngay lập tức, trực tiếp nhìn thấy được. Trong khi đó, bảo tồn di sản lại là vấn đề địa phương, do chính quyền địa phương, các chuyên gia và người dân tại khu vực trực tiếp quản lý, giữ gìn và thụ hưởng di sản. Vấn đề đặt ra, cần có những đề tài khoa học, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn di sản kiến trúc gỗ trăm tuổi để giúp chính quyền và người dân giữ gìn di sản, thích ứng với BĐKH một cách phù hợp hơn.
Về góc độ chuyên môn trong quản lý DT, đại diện đơn vị Bảo tàng Bến Tre cho hay, bên cạnh sự tấn công của mối mọt, những người làm công tác chuyên môn còn e dè trước những đợt mưa lớn, gió bão hay lốc xoáy ở các địa phương ven biển tác động đến các di sản. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo